Cập nhật: Thứ sáu, 21 Tháng 10 2016 14:39

Viettel điều động hơn 100 cán bộ kỹ thuật vào tâm bão Sarika

Viettel cho biết, sáng ngày 14/10/2016, ngay khi nhận được thông tin về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Trung tâm Kỹ thuật KV1 (thuộc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel) đã nhanh chóng rà soát cơ sở dữ liệu, huy động tập trung các loại máy phát điện để sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng của thiên tai.

Đội tiền phương và lực lượng nhân sự cơ điện của Trung tâm Kỹ thuật KV1 cũng di chuyển vào Quảng Bình để hỗ trợ sửa chữa máy phát điện tại chỗ, phục vụ việc cấp nguồn cho các trạm phát sóng, đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, cơ quan chính quyền, quân đội, an ninh, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, địa phương và các Sở chỉ huy phòng, chống thiên tai tiền phương.

Trước đó, công tác hậu cần đã được các Viettel tỉnh chủ động chuẩn bị kỹ như áo phao, lương thực thực phẩm, máy đo, máy hàn, máy phát điện, dự trữ sẵn xăng, dầu tại các trạm BTS. Tại các huyện có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt như Bố Trạch, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), lực lượng kỹ thuật Viettel cũng thực hiện tháo thiết bị di chuyển lên cao, đảm bảo an toàn.

Các chi nhánh Viettel tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã khẩn trương thành lập các đội cơ động, bố trí hơn 100 nhân sự kỹ thuật tại các vị trí chia cắt, sẵn sàng triển khai các phương án ứng cứu thông thông tin kịp thời trong mưa lũ. Bên cạnh đó, 6 đội kỹ thuật của Viettel tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và TT Kỹ thuật KV2 (tại Đà Nẵng) đã điều chuyển gần 80 máy phát điện và kịp thời có mặt tại Quảng Bình để hỗ trợ công tác khắc phục mạng lưới.

Tuy nhiên, mưa to kéo dài liên tục đến chiều tối ngày 15/10/2016 đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên toàn tỉnh Quảng Bình và 1 phần Hà Tĩnh. Quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập úng từ 0,6 – 1,2m, chia cắt nhiều thôn, xã, trong đó có trạm phát sóng của Viettel. Để đảm bảo nhiên liệu cho việc chạy máy phát điện, đội ngũ kỹ thuật Viettel phải đi bộ vài km hoặc di chuyển bằng xuồng để tiếp cận vị trí trạm, tiếp nhiên liệu duy trì phát sóng, đảm bảo không gây gián đoạn thông tin.

Đến ngày 16/10/2016, mưa đã giảm dần, công tác ứng cứu thông tin vẫn đang được các đội kỹ thuật triển khai tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh trên. Số cuộc gọi trong 3 ngày 14, 15, 16/10/2016 của Viettel tại các tỉnh này đã tăng 60% so với ngày thường.

Trước đó, Bộ TT&TT đã gửi  Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với mưa lũ và bão Sarika cho các doanh nghiệp BCVT gồm VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel và VNPost. Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ tăng cường, bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt.

Ngày đăng: Thứ hai, 17 Tháng 10 2016